Ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alibaba, vào ngày 29/12 bị tòa tuyên án chung thân về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phán quyết của tòa sơ thẩm Thành phố Hồ Chí Minh được truyền thông Nhà nước dẫn lại nêu rõ ông Nguyễn Thái Luyện là người chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành, chỉ đạo toàn bộ mọi hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân liên quan. Hội đồng Xét xử cho rằng ông Luyện dùng thủ đoạn tinh vi, lập dự án ma để chiếm đoạt tiền của hàng nghìn khách hàng.
Bà Võ Thị Thanh Mai, vợ ông Nguyễn Thái Luyện, bị tuyên 20 năm tù về cùng tội danh với chồng, cộng 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Hai vợ chồng còn bị buộc bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt được tương đương 2.400 tỷ đồng.
Hai em của ông Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù. Những người khác bị án từ 10 đến 19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (có dự án “ma” của Nguyễn Thái Luyện) cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị Công an TP HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho hai cá nhân vì đây là tiền phạm tội.
Phiên xử Nguyễn Thái Luyện- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alibaba; Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba (em ruột Luyện) cùng 18 đồng phạm khác về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được mở ra ngày 8/12 vừa qua. Kế hoạch ban đầu dự kiến đến ngày 6/1 mới kết thúc; tuy nhiên vào ngày 23/12 Hội đồng Xử án bước vào phần nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào ngày 29/12.
Trong vụ án này ông Nguyễn Thái Lực, cũng là em ruột Luyện, giám đốc Công ty Địa Ốc Xanh cùng bà Võ Thị Thanh Mai, giám đốc Công ty Alibaba Firm và Huỳnh Thị Kim Thắng, kế toán trưởng Công ty Alibaba bị truy tố lần lượt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Đây là phiên toà được nói “kỷ lục” với số lượng bút lục hồ sơ lên đến một triệu, phải đựng trong 140 thùng hồ sơ và danh sách bị hại theo cáo trạng của VKSND lên đến 3.986 người, có 100 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Toà án nhân dân TPHCM đã dựng ba nhà bạt với sức chứa khoảng 2000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên toà tham dự.
Theo cáo trạng, Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản ảo tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Thuận rồi tự phân lô, tách thửa bán cho các bị hại.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các “dự án” do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bằng thủ đoạn đó, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng của gần bốn ngàn người.
in
发表回复