Doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn khi xuất khẩu gạo. Có doanh nghiệp phản ảnh đã bị đối tác nước ngoài gửi thư đòi trả tiền cọc và tiền bồi thường do không thể vận chuyển gạo đúng hẹn.

Liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch trong tháng 4/2020, ngày 17/4, nhiều doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn khi xuất khẩu gạo; trong đó có những bất cập trong thủ tục thông quan mới, gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại Cần Thơ thông tin, đang có số lượng lớn gạo tồn cảng từ ngày 23/3 nhưng vào ngày 12/4 khi Hải quan tiếp nhận mở tờ khai, doanh nghiệp này chỉ đăng ký được một phần rất nhỏ.

Số container hàng đã đăng ký được tờ khai hiện nay cũng đang phải thực hiện thủ tục kiểm hóa theo quy trình: cân container, mở container, đưa gạo ra ngoài kiểm tra rồi đóng container lại.

Điều này vừa mất thời gian do vừa phải cử nhân sự tham gia và hơn hết là chi phí phát sinh lớn.

Theo thông tin doanh nghiệp này phản ánh, tổng chi phí cho việc kiểm hóa một container là 1.955.000 đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Phước Thành 2 (Long An) cho biết, ngay thời điểm ngày 10/4 doanh nghiệp đã hoàn tất đóng hàng gạo vào container và vận chuyển về Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) tổng cộng hơn 1.000 tấn gạo để trả cho các hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong tháng Ba và tháng Tư.

Thế nhưng và thời điểm cổng hải quan điện tử tiếp nhận tờ khai, doanh nghiệp chỉ mở được tờ khai xuất khẩu cho 119 tấn gạo.

Trước đó, phía Hải quan đã tiến hành phân luồng đỏ cho toàn bộ tờ khai hải quan xuất khẩu gạo được mở trong ngày 12/4 để rà soát, đối chiếu thông tin về số container, số seal trên tờ khai hải quan với hàng hóa thực có tại cảng.

Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay tại các cảng, hải quan đang cho kiểm hóa một cách rất thủ công. Theo đó, các container dù đã được sắp xếp trong bãi chờ chuyển lên tàu đều phải cẩu xuống, cân lại, mở seal, đưa gạo ra để… nhìn, sau đó lặp lại quy trình đóng hàng, sắp xếp lại container.

“Với hàng nghìn container gạo đã đóng tại cảng từ trước ngày 23/3 cho tới nay, nếu cứ kiểm tra thủ công như vậy thì chắc phải vài tháng nữa cũng chưa kiểm xong. Chưa kể hải quan và doanh nghiệp phải huy động nhân sự để làm thủ tục và tham gia quá trình kiểm hóa. Toàn bộ chi phí cho quá trình này doanh nghiệp đều phải chi trả trong khi trước đó đã phải gánh rất nhiều phí lưu container, phí lưu bãi tại cảng suốt gần 1 tháng,” ông Khoa chia sẻ.

Một số doanh nghiệp đề xuất, việc rà soát, đối chiếu thông tin là cần thiết để đảm bảo sự minh bạch và tránh các trường hợp gian lận trong mở tờ khai hải quan.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan hoàn toàn có thể thực bằng cách đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với chứng thư giám định hàng hóa cấp cho container đang lưu cảng.

Nếu thông tin số container, số seal hai bên trùng khớp có thể cho thông quan. Chỉ những tờ khai hải quan không đủ thông tin về số container, số seal hoặc không xuất trình được giấy tờ cho thấy hàng đã có mặt tại cảng thì mới tiến hành kiểm hóa thực tế.

Như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực của hải quan, doanh nghiệp vừa giảm bớt gánh nặng chi phí phát sinh.

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cho biết, công ty vừa bị một đối tác nước ngoài gửi thư đòi trả tiền cọc và tiền bồi thường do không thể vận chuyển gạo đúng hẹn.

Số tiền mà Trung An phải trả theo yêu cầu của khách hàng là 497.000 USD (gần 12 tỷ đồng).Xay xát, chế biến gạo xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Cụ thể, trong email gửi cho Công ty Trung An của Tập đoàn Portal Steels, Tập đoàn Portal Steels cho biết đã ký hợp đồng mua bán gạo nhập nhập khẩu với Công ty Trung An trong tháng Hai và tháng Ba vừa qua và đã chuyển tiền cọc theo đúng các thỏa thuận.

Hiểu được lý do mà Công ty Trung An không thể giao hàng đúng hạn, tuy nhiên theo Portal Steels, chính công ty của họ cũng đang ở trong tình thế hết sức khó khăn vì còn những nghĩa vụ với các đối tác khác trong nước và sẽ phải đối mặt nguy cơ vi phạm hợp đồng

Còn ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ (Long An) cho biết, công ty vừa có “đơn cầu cứu trước bờ vực phá sản” gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…

Cụ thể, Công ty Dương Vũ chuyên chế biến gạo nếp và tấm nếp xuất khẩu, đã có thương hiệu và là một trong 20 doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng đầy đủ các các quy định xuất khẩu gạo chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Hiện, công ty đang thu mua, chế biến lúa nếp phục vụ xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với tổng sản lượng trung bình 220.000 tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 400 cán bộ, công nhân viên.

Công ty đang bao tiêu sản phẩm lúa nếp cho nông dân hai tỉnh Long An và An Giang trên diện tích khoảng 50.000ha.

Về quyết định áp dụng hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020, doanh nghiệp này cho biết hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu.

Tuy nhiên, công ty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) và lưu từ ngày 20/3 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng trong container tại kho 5 ngày.

Việc dừng xuất khẩu từ ngày 24/3 đã gây thiệt hại cho công ty vì thời gian hàng hóa lưu trong container hơn 23 ngày, nay tiếp tục lại không thể khai báo hải quan vì hạn ngạch đã hết.

Nếu kéo dài đến tháng Năm, chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4/2020…

Hiện nhà máy phải dừng hoạt động.

Đối với vấn đề của Công Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3083/VPCP-KTTH về việc xử lý kiến nghị liên quan đến xuất khẩu gạo. Theo đó, văn bản nêu rõ, xét đề nghị của của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại văn bản số 0499/PTM-PC ngày 16/4/2020 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ về các kiến nghị liên qua đến xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ để tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 20/4/2020 .

Theo số liệu cập nhật về tình hình xuất khẩu gạo trên trang web của Tổng cục Hải quan, đến 18 giờ 30 ngày 17/4, đã có 6.810 tấn trong tổng số hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4 được thông quan./.

评论

发表回复

您的邮箱地址不会被公开。 必填项已用 * 标注