Năm 2022 là một năm có nhiều sự kiện, hiện tượng hấp dẫn trong kinh tế chính trị Việt Nam. Những gì đã trải qua năm 2022 sẽ tạo một cái đà, một quán tính dẫn hướng đi cho Việt Nam trong năm tới.

  1. Đại án test kit Việt Á

Cuối năm 2021, Bộ Công an Việt Nam bắt ông Phan Quốc Việt, Giám đốc công ty Việt Á, khởi đầu cho chuỗi sự kiện liên quan đến đại án này trong năm 2022.

Đây là một án kinh tế và chính trị làm bộc lộ mọi vấn đề về thể chế của Việt Nam. Đầu tiên, nó là một vụ tham nhũng – hối lộ thông thường: doanh nghiệp hối lộ quan chức để dành quyền cung cấp sản phẩm (test kit) với số lượng lớn. Nhưng cách thực hiện của họ cho thấy một mạng lưới được tổ chức bài bản, liên quan đến nhiều bộ trung ương. Báo chí nhà nước đã phân tích nhiều về mạng lưới này: các cơ quan trung ương giúp Việt Á gây dựng “uy tín” (chạy chọt bằng khen, giấy chứng nhận, báo chí viết bài ca ngợi, dựa trên “đề tài nghiên cứu khoa học” cấp Bộ…), tạo cơ chế để khiến cho Việt Á một mình một chợ khi nhu cầu tăng vọt trong một thời điểm.

Việc hàng loạt quan chức cấp cao ở hàng chính khách bị bắt vị liên quan đến Việt Á đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của mạng lưới này. Nó làm rõ một vấn đề đã cũ: Việt Nam không có một hệ thống kiểm soát minh bạch và độc lập để ngăn chặn ngay từ đầu thảm họa này.

  1. Những chuyến bay “ngạo nghễ Việt Nam” giải cứu đồng bào

Cùng với cụ test kid Việt Á, vụ Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao thu tiền đồng bào với giá cao để “giải cứu” đồng bào mắc kẹt trong đại dịch ở nước ngoài về nước cũng là một vết nhơ. Nhà nước Việt Nam công bố một danh sách dài các quan chức ngành ngoại giao dính đến vụ án này đã bị xử lý, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng đến các đại sứ và cấp thấp hơn.

Vụ án này cũng làm bộc lộ các vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn test kid Việt Á. Ở vụ test kid Việt Á, người dân không thể có thông tin để biết có tham nhũng, hối lộ trong vụ này hay không. Bộ Công an khởi tố, bắt người vi phạm thì dân mới biết. Nhưng ở vụ chuyến bay giải cứu thì khác. Người dân biết ngay “có vấn đề” khi họ phải trả chi phí với giá cao ngất ngưởng để được về nước trong những chuyến bay “nhân đạo”. Nhưng không có bất kỳ một phản ứng nào từ cả phía xã hội lẫn chính quyền để ngăn chặn từ đầu, không để cái sai lớn thành một đại án.

Không thể phủ nhận hệ thống kiểm soát nội bộ của Việt Nam vẫn có hiệu quả. Bằng chứng là Bộ Công an Việt Nam đã bắt hầu hết những người liên quan đến hai đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”. Nhưng đây cũng chính là chỗ bộc lộ vấn đề: Xã hội chỉ biết đến Việt Á và “chuyến bay giải cứu” nếu Bộ Công an ra tay. Và chức năng của Bộ Công an là xử lý khi có sai phạm xảy ra. Ngăn chặn cái sai từ gốc là vấn đề của thể chế. Việt Nam không có một thể chế có khả năng ngăn chặn sai lầm từ gốc.

  1. Thị trường bất động sản khủng hoảng

Giáo sư Đặng Hùng Võ trao đổi với qua emai về một hiện tượng đáng chú ý năm 2022 là “nhiều đại gia bất động sản bị bắt do phát hành trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Tịnh Phát; nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã xuất hiện, gây tác động làm thị trường bất động sản rơi vào đóng băng.”

Đầu và giữa năm 2022, song song với việc Bộ Công an Việt Nam bắt nhiều “đại gia” bất động sản là Ngân hàng Nhà nước xiết chặt chính sách tài chính hỗ trợ bất động sản. Kết quả là bất động sản Việt Nam từ chỗ đang là “bong bóng” có thể phình to đến mức nổ bất kì lúc nào chuyển sang “suy thoái”. Cuối năm 2022, tình hình thay đổi, Chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch phục hồi ngành bất động sản.

Theo Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia của Việt Nam, ngành bất động sản và những ngành liên quan đóng góp 24,3% GDP của Việt Nam. Đây là mức đóng góp được đánh giá là “vô cùng quan trọng” đối với nền kinh tế.

Những biến động năm 2022 của ngành bất động sản cũng phản ánh những bất ổn ở cấp độ hệ thống của kinh tế và chính trị Việt Nam. Trước hết, về mặt luật pháp, Việt Nam để cho bất động sản và ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau, khiến an ninh tài chính bị buộc vào sự lên xuống của bất động sản. Hiện tượng sở hữu chéo này là điều bị cấm ở nhiều nước phát triển. Thứ hai, các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng lỏng lẻo, đủ để cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở quy mô thiếu kiểm soát, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản.

Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu phải đáo hạn trong năm 2022 là hơn 144.000 tỷ đồng. Ở các năm tiếp theo, con số này sẽ càng lớn hơn: hơn 271 ngàn tỷ đồng vào năm 2023, khoảng 330 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng. Chính phủ Việt Nam chưa có giải pháp nào cho cục nợ này.

Đáng chú ý là khi tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát bị điều tra, một số nhân vật cấp cao của tập đoàn này đã chết đột ngột. Những cái chết bất thường này trở thành một sự kiện được xã hội chú ý: ông Nguyễn Tiến Thành, 49 tuổi, Chủ Tịch Chứng Khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB, bà Nguyễn Phương Hồng, 38 tuổi, bị bắt cùng ngày với bà Trương Mỹ Lan, chết ngày 9/10/2022 (trong lúc bị tạm giam), ông Nguyễn Ngọc Dương, 49 tuổi, giám đốc công ty con của Vạn Thịnh Phát là Sài Gòn Penninsula, chết ngày 14/10/2022.

  1. Xe hơi điện Vinfast đi Mỹ

Năm 2022, hãng xe Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup của ông tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng xuất khẩu sang Mỹ 999 chiếc xe hơi điện. Đây chỉ là hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng có ý nghĩa đối với ước mơ phát triển công nghệ của Việt Nam, một nước mà nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào bất động sản. Bởi đây là lần đầu tiên, một công ty Việt Nam có thể xuất khẩu một sản phẩm công nghệ, thay vì chỉ là xuất khẩu tài nguyên, xuất khẩu lao động, nông sản, dệt may… như trước đây. Ngày 999 chiếc xe hơi này rời cảng, cả thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đều có mặt.

Tuy nhiên, bước khởi đầu này không đơn giản cho Vingroup. TS. Nguyễn Lê Tiến nhận xét về khả năng thành công của Vinfast:

“Sự kiện này làm nhiều người Việt tự hào. Nhưng sản phẩm làm ra cốt để bán, không phải để tự hào, vì có bán được mới sống được, phát triển được. Không bán được thì giống như đem tiền đi đốt.

Để bán được xe thì phải đặt mình vào vị thế của khách hàng chứ phải ước mơ của mình. Ở Mỹ, chiếc xe hơi cũng là một tài sản không nhỏ. VF-8 của Vinfast có giá 47.200 USD và phải thuê pin. Trong khi đó, loại xe SUV tương tự như VF-8 ở Mỹ có VW-ID 4 của Đức có giá chỉ 37.945 USD. Xe Toyota-Bz4x của Nhật chỉ có giá 42.000 USD. Còn IOniq của Hyundai Hàn Quốc chỉ có 41.500 USD. Tất cả đều rẻ hơn xe của Vinfast, bán kèm pin, và họ có lịch sử lâu đời, vốn kinh nghiệm, tri thức và tài chính đều lớn hơn Vinfast, vốn đang ở giai đoạn khởi nghiệp. Tesla đắt hơn, nhưng Tesla có lợi thế của người tiên phong, uy tín và danh tiếng đã được xác lập.

Đặc biệt, họ có xe hơi xăng để bù lỗ cho giai đoạn phát triển thị trường và công nghệ cho xe hơi điện. Còn đứng đằng sau sản phẩm xe hơi điện của Vinfast là bất động sản, năm qua và năm tới còn gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể vốn của Vingroup là con số âm khá lớn. Theo cáo bạch của Vinfast khi phát hành cổ phiếu trên NASDAQ, tổng tiêu sản là 8,4 tỷ USD, gấp đôi tích sản là 4,4 tỷ USD. Testla của Elon Musk, Toyota của Nhật đều đã đốt tiền gần 20 chục năm qua để nghiên cứu công nghệ xe hơi điện. Ông Vượng là tỷ phú, nhưng tài sản chỉ có khoảng 4,5 tỷ USD, không rõ năm 2023 và tương lai thế nào, còn xét ở hoàn cảnh hiện nay thì chưa đủ tiền để đốt cho cuộc chơi này.

Ngoài ra còn nhiều chuyện nữa, khá đau đầu cho Vinfast, như thị trường đang lao dốc, cả Tesla cũng xuống -70%, Rivian, Lucid lao xuống hơn -80%. Kinh tế thế giới nhìn chung có xu hướng suy trầm trong năm 2023. Trong bối cảnh này, không cách gì Vinfast đòi giá trị đến 60 tỷ USD được. Khác với các công ty bình thường, trước khi IPO đã có nhiều đợt định giá và tăng vốn với các công ty tài chính lớn, danh tiếng. Vinfast không có ai cả, chỉ đi vay, không gọi được đầu tư.

Và quan trọng nhất, xem giá cả mà Vinfast chào bán như phân tích ở trên thì thấy rõ ràng là họ dường như không có mục đích bán hàng thực sự.”

  1. Công bố Dự thảo luật đất đai: thắt chặt quyền sử dụng đất

Năm 2022, Quốc hội Việt Nam công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thay thế cho Luật Đất đai hiện hành, có hiệu lực từ 2013. Đất đai là vấn đề nóng của Việt Nam suốt hơn hai mươi năm qua. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam không công nhận công dân có quyền sở hữu đất như là quyền tài sản mà chỉ có “quyền sử dụng” đất. Trên cơ sở này, Nhà nước có thể tước quyền “sử dụng đất” của dân trong những trường hợp vì “an ninh quốc gia” và “lợi ích công cộng”. Sau nhiều lần sửa đổi, “an ninh quốc gia” và “lợi ích công cộng” trong Luật Đất đai hiện hành đã bao gồm cả các dự án bất động sản thương mại của tư nhân. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam.

Dự thảo Luật Đất đai năm 2022 đã không sửa đổi những vấn đề ấy. Dự thảo Luật này vẫn đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận, sửa đổi và dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2023. Trao đổi với qua email, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng một vấn đề Việt Nam cần chú ý trong năm 2022 và những năm sắp tới là “hệ thống pháp luật với quá nhiều luật xung đột nhau, trong một nền kinh tế thị trường vẫn do Nhà nước điều khiển, đã làm cho một số lượng lớn cán bộ có thẩm quyền lâm vòng lao lý.”

评论

发表回复

您的邮箱地址不会被公开。 必填项已用 * 标注