Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ khi triển khai tới nay đã thu hút được nhiều chủ thể ở các làng nghề có sản phẩm tham gia.
Chương trình đã thay đổi được cách nhìn, cách làm, cách quản lý trong sản xuất sản phẩm làng nghề và hướng tới sản xuất bền vững để xuất khẩu. Đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp, làng nghề và hợp tác xã.
Hiệu quả khi được công nhận sao
Với phương châm, Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế quan trọng và chủ lực của nhân dân, trong phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, xác định xúc tiến thương mại là then chốt, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, sau 3 năm triển khai (2018-2020), Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hàng trăm sản phẩm được phân hạng từ 3-5 sao, điều này đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2018-2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP; trong đó, có từ 500 sản phẩm được xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia theo quy định.
Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP; trong đó, có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12 này. Thành phố phấn đấu đến hết năm nay có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Bà Phạm Thị Bình, Chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình – sản phẩm làng nghề bánh tẻ Phú Nhi ở thị xã Sơn Tây cho biết thông qua chương trình này, người làm nghề mong muốn đưa sản phẩm đi khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là vào khu du lịch, siêu thị ẩm thực….
Khó khăn hiện nay trong việc được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chính là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này. Nhờ tham gia hiệp hội làng nghề, thu nhập của người làm nghề khá ổn định.
Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, để bánh tẻ Phú Nhi đi xa vẫn còn nhiều khó khăn do bánh không bảo quản được lâu. Khách hàng muốn mua với số lượng lớn cũng chưa đáp ứng được ngay, bà Bình chia sẻ.
Chủ một cơ sở mây tre đan ở huyện Chương Mỹ cho biết được sự quan tâm của các cấp, các ngành đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, hy vọng các sản phẩm OCOP sẽ phát triển mạnh mẽ không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài. Đó cũng là động lực để các cơ sở sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho bà con.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho hay hiệu quả của các chương trình kết nối nâng lên rõ rệt, 65% sản phẩm OCOP tham gia các chương trình kết nối giao thương đã được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Cũng theo bà Hậu, việc phát triển các sản phẩm OCOP góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, kỳ vọng, thông qua các buổi kết nối giao thương, sẽ có nhiều hơn các sản phẩm OCOP được đưa vào kênh phân phối hiện đại.
Không chỉ đánh giá xếp hạng sản phẩm, Hà Nội đã mở rộng hệ thống các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm nay, đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên bao gồm sản phẩm lụa tơ tằm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Trong năm nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Tổng kết 3 sự kiện đầu Ban tổ chức đã kết nối được các các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn của cả nước ký kết được 473 biên bản hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia tại sự kiện.
Có được kết quả trên, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nNng thôn Hà Nội là do chương trình đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương, thành phố đến cơ sở, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP Thành phố, tạo ý thức và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và nhân dân.
发表回复